Triều đại Maximinus_Thrax

Củng cố quyền hành

Maximinus ghét giới quý tộc và là tàn nhẫn đối với những ai mà ông nghi ngờ có âm mưu chống lại mình.[15] Ông bắt đầu từ việc loại bỏ các cố vấn thân cận của Alexander.[3] Sự ngờ vực của ông bắt nguồn từ hai cuộc mưu phản chống lại Maximinus đã thất bại thảm hại.[16] Lần đầu là trong một chiến dịch quân sự trên sông Rhine, do một nhóm sĩ quan được hỗ trợ bởi những nghị viên có thế lực mưu tính phá hủy một cây cầu bắc qua sông, để dụ Maximinus ở lại và bị mắc kẹt phía bên kia sông.[17] Sau đó họ lên kế hoạch để bầu nghị viên Magnus làm hoàng đế rồi từ đó thâu tóm quyền lực; Tuy nhiên mưu đồ đã bị thủ hạ của hoàng đế phát hiện kịp thời và những kẻ chủ mưu bị đem ra xử tử.[15] Âm mưu thứ hai liên quan đến những cung thủ người Lưỡng Hà còn trung thành với Alexander.[18] Họ dự tính bầu chọn Quartinus nhưng viên chỉ huy Macedo của họ đã thay lòng đổi dạ và thay vào đó đã ra tay sát hại Quartinus, dù vậy cũng không đủ để hoàng đế tha mạng sống cho ông.[15]

Bảo vệ biên giới

Từ khi Maximinus kế thừa ngôi vị đã mở đầu cho thời kỳ loạn lạc liên miên gọi là cuộc khủng hoảng của thế kỷ thứ ba (còn gọi là giai đoạn "Hỗn loạn Quân sự" hoặc "Cuộc khủng hoảng của Đế quốc La Mã"), tên thường gọi cho những đổ nát và gần sụp đổ của Đế chế La Mã từ năm 235 đến 284 do ba cuộc khủng hoảng xảy ra cùng lúc: ngoại tộc xâm lược, nội chiến trong nước và sự sụp đổ về kinh tế.[10]

Chiến dịch đầu tiên Maximinus là chống lại người Alamanni, mà hoàng đế đã đánh bại dù người La Mã cũng chịu tổn thất nặng nề trong một đầm lầy ở vùng Agri Decumates.[19] Sau chiến thắng, Maximinus nhận danh hiệu Germanicus Maximus,[8] còn đưa con trai mình là Maximus giữ chức CaesarPrinceps Iuventutis, và phong thần người vợ quá cố Paulina.[3] Maximinus có thể đã phát động một chiến dịch thứ hai tiến sâu vào đất Germania, đánh bại một bộ tộc German vượt sông Weser trong trận Harzhorn.[20][21] Củng cố tuyến biên giới German, ít nhất là trong một thời gian, Maximinus sau đó cho hạ trại đóng quân trú đông tại SirmiumPannonia,[8] và dùng căn cứ này để tiếp tế cho cuộc chiến với người DaciaSarmatia trong mùa đông năm 235-236.[3]

Cha con Gordianus I và II

Đầu năm 238, trên địa bàn tỉnh châu Phi, các quan chức trông coi ngân khố đã bòn rút qua những phán quyết sai lầm trong một triều đình tham nhũng từ một số chủ đất địa phương đã kích động một cuộc nổi loạn quy mô trên địa bàn tỉnh.[22] Các địa chủ tự vũ trang cho hầu cận và nông nô của họ rồi tiến vào Thysdrus (nay là El Djem), ám sát các viên chức vi phạm cùng đám vệ binh thân tín[23] rồi tuyên bố vị thống đốc tỉnh cao tuổi, Marcus Antonius Gordianus Sempronianus (Gordianus I) và con là Gordianus II làm đồng hoàng đế.[24] Viện Nguyên lão ở Roma đã bị dao động và quyết định theo về phía cha con nhà Gordianus bằng cách ban cho họ danh hiệu Augustus, đồng thời kêu gọi các tỉnh cùng lên tiếng ủng hộ họ.[25] Thế nhưng khi Maximinus hay tin ấy, lúc đó đang trú đông ở Sirmium đã ngay lập tức tập hợp quân đội của mình và tiến về Roma, dưới sự dẫn đầu của quân đoàn lê dương Pannonia.[3]

Trong khi đó, ở châu Phi, cuộc nổi dậy đã không thuận buồm xuôi gió. Tỉnh châu Phi phía tây giáp tỉnh Numidia, mà thống đốc là Capellianus, vốn không mấy thiện cảm với nhà Gordianus nên đã khởi binh chống lại và chỉ kiểm soát được các đơn vị lính lê dương (III Augusta) trong khu vực.[26] Ông hành quân về Carthage và dễ dàng áp đảo lực lượng dân quân địa phương bảo vệ thành phố.[22] Gordianus II cố sức chống trả nhưng bị tử trận ngay sau đó, và khi biết được tin này thì Gordianus I cũng lấy dây treo cổ tự sát.[27] Cuộc nổi dậy của họ hoàn toàn thất bại.

Pupienus, Balbinus và Gordianus III

Khi cuộc nổi dậy của châu Phi thất bại, Viện Nguyên lão thấy mình đang trong tình trạng nguy hiểm lớn.[28] Từng thể hiện sự ủng hộ cho nhà Gordianus vì họ chẳng còn mong đợi sự khoan hồng nào từ phía Maximinus khi ông gần đến Roma. Trong lúc khó khăn này, họ quyết tâm thách thức Maximinus và bầu hai nghị viên trong số họ là PupienusBalbinus làm đồng hoàng đế.[3] Khi đám đông dân chúng La Mã nghe nói rằng Viện Nguyên lão đã chọn hai người từ tầng lớp quý tộc Patricianus mà nhân dân vốn chẳng có thiện cảm gì mấy, nên họ đã phản đối dữ dội và chào đón đoàn diễu hành bằng một loạt gậy gộc và gạch đá.[29] Một phe phái ở Roma đã tích cực vận động Viện Nguyên lão bầu chọn đứa cháu ngoại của Gordianus là Gordianus III làm hoàng đế, khiến cho tình trạng bạo động trên đường phố ngày càng nghiêm trọng. Cả hai vị đồng hoàng đế không còn sự lựa chọn nào khác nhưng để thỏa hiệp phe phái đối lập và xoa dịu sự bất mãn của dân chúng kinh thành, họ quyết định phong cậu bé làm Caesar với sự chấp thuận của Viện Nguyên lão.[30]

Cái chết

Maximinus mau chóng hành quân về Roma để ổn định tình hình tại kinh thành,[31] nhưng cửa ngõ quan trọng là thành Aquileia lại đóng cửa từ chối quy hàng ông. Quân đội của ông bắt đầu trở nên bất mãn trong cuộc vây hãm thành phố bất ngờ, khiến họ phải chịu đựng nạn đói và bệnh tật trong thời gian đó.[15] Vào tháng 4 năm 238, binh sĩ của binh đoàn lê dương II Parthica trong quân doanh đã ám sát ông và con trai cùng các vị triều thần của mình.[28] Đầu của họ bị chặt ra rồi để trên những cái cọc và để cho kỵ binh mang đến Roma.[3] Pupienus và Balbinus sau đó được Viện nguyên lão chỉ định làm đồng hoàng đế.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Maximinus_Thrax http://data.rero.ch/02-A010115170 http://www.ancientsites.com/aw/Post/1049415 http://www.wildwinds.com/coins/ric/maximinus_I/t.h... http://www.academia.edu/1012252/Die_Herrschaft_des... http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://uli.nli.org.il/F/?func=direct&doc_number=00... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p070660417 http://www.livius.org/he-hg/herodian/hre701.html http://www.roman-emperors.org/epitome.htm http://www.roman-emperors.org/maxthrax.htm